Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Ung thư: chẩn đoán sớm giúp điều trị có kết quả

Tầm quan trọng của chẩn đoán sớm ung thư

Việc phát hiện và chẩn đoán bệnh ung thư trên thực tế đã trải qua một quá trình lịch sử khá dài với các thông tin được ghi nhận từ phương pháp khám bệnh lâm sàng đơn giản đến các phương pháp cận lâm sàng với nhiều phương tiện, kỹ thuật ngày càng tinh vi, hiện đại đã cho phép y học tiếp cận hầu như các ngóc ngách của cơ thể con người, kể cả những nội tạng bên trong để phát hiện bệnh lý. Trong quá trình lịch sử phát triển đó, đáng lẽ ra y học phải phát hiện được bệnh trước khi chẩn đoán bệnh, có nghĩa là phải chủ động tìm phát hiện ra người bệnh chứ không thụ động chờ bệnh nhân đến khám do cảm thấy khó chịu vì đã mang trong người một khối u; để rồi sau đó nhận được chẩn đoán bệnh hầu như bao giờ cũng quá muộn. Do đó y học hiện đại đã quan niệm việc phát hiện và chẩn đoán bệnh ung thư là hai giai đoạn kế tiếp nhau của một quá trình duy nhất để xác định bệnh ung thư.

Nội soi vòm mũi họng tầm soát ung thư vòm họng

Nội soi vòm mũi họng tầm soát ung thư vòm họng

Theo các nhà khoa học, hàng năm trên thế giới có hàng chục triệu người mắc bệnh ung thư và hàng triệu người chết vì căn bệnh hiểm nghèo này. Do khoảng thời gian được sống thêm kể từ lúc xác định bệnh đến khi tử vong của đa số các trường hợp ung thư giai đoạn cuối thường không quá 6 tháng nên trong suốt thời gian qua vẫn quan niệm rằng: khi chẩn đoán một trường hợp bị mắc bệnh ung thư thì có nghĩa là đã treo một cái án tử hình cho bệnh nhân. Sự thật phũ phàng này sẽ dẫn đến một tâm lý thất bại, làm nặng thêm tình trạng bệnh lý vốn có và vô tình đẩy người bệnh đến sự tuyệt vọng. Các nhà khoa học căn cứ vào những hiểu biết mới về thời gian nhân đôi khối u, khả năng miễn dịch và khỏi bệnh tự phát, tiến triển của ung thư theo giai đoạn lâm sàng gồm khối u - hạch vùng - di căn ký hiệu TNM (T: tumor là khối u, N: lymph node là hạch vùng, M: metastasis là di căn) và loại tế bào mô học, mô bệnh học... nên đã giúp cho nền y học hiện đại nhận thức được rõ ràng việc phát hiện và chẩn đoán sớm ung thư sẽ có ảnh hưởng quyết định quan trọng đến thái độ xử trí, kết quả điều trị và tiên lượng bệnh. Phát hiện sớm là tìm ra được các tổn thương ung thư khi chúng chưa biểu lộ ra bằng các triệu chứng lâm sàng, gọi là giai đoạn tiền lâm sàng của ung thư. Tuy nhiên ở giai đoạn này, khối u thường đã có đường kính khoảng 1 - 2cm, nghĩa là đã có hàng tỉ tế bào ung thư hiện diện; vì vậy không thể bảo đảm rằng không có một tỉ lệ nhất định các tế bào ung thư đã di căn đi nơi khác và không bị tiêu diệt để trở thành các ổ ung thư thứ phát. Do đó, thực tế đã có một số trường hợp ung thư không có các triệu chứng nhưng khi được phát hiện thì khối u đã xâm lấn, thậm chí di căn đi khá xa. Cũng trong giai đoạn này, y học có khả năng chữa khỏi bệnh hoàn toàn ít nhất 50% các trường hợp ung thư, không phải khỏi bệnh 5 năm như vẫn hiểu theo quan niệm cũ trước đây hay ít ra thời gian bệnh nhân được sống thêm sẽ kéo dài hơn so với thời gian trước.

Hiện nay vấn đề phát hiện sớm bệnh ung thư đã được các nhà khoa học quan tâm đến những mục tiêu cụ thể hơn như: phát hiện ung thư tại chỗ, ung thư ở giai đoạn 0, ung thư nội biểu mô, ung thư tiền xâm nhập... tùy theo thuật ngữ quen gọi của các nhà khoa học; trong giai đoạn này ung thư chưa di căn và có khả năng chữa khỏi hoàn toàn. Tuy vậy trên thực tế, việc phát hiện sớm ung thư là vấn đề hết sức khó khăn, tốn nhiều công sức và chi phí thực hiện. Khả năng phát hiện sớm ung thư ở thời kỳ có ích sẽ đáp ứng được yêu cầu chữa bệnh có hiệu quả, trước hết là còn chỉ định được phẫu thuật cắt bỏ khối u kịp thời.

Yêu cầu cần thiết chẩn đoán xác định sớm ung thư

Việc chẩn đoán sớm ung thư trước tiên là phải xác định được bệnh một cách chắc chắn, loại trừ được khả năng dương tính giả cũng như âm tính giả. Chẩn đoán âm tính giả thường hay bỏ sót ung thư sẽ làm cho trường hợp ung thư đáng lẽ ra có thể chữa trị được trở thành không chữa trị được vì đã để lỡ mất cơ hội điều trị kịp thời, chúng cũng sẽ dẫn đến việc điều trị cho trường hợp không mắc bệnh ung thư phải chịu chi phí lớn về những tổn thất vô lý mà người bác sĩ vô tình chẩn đoán vì cho đến nay y học vẫn chưa đủ khả năng xác định ung thư với mức độ chính xác tuyệt đối trong tất cả mọi trường hợp. Chẩn đoán sớm một trường hợp ung thư là phải xác định rõ bệnh ung thư ngay sau khi phát hiện sớm, vì vậy thường phụ thuộc vào khả năng phát hiện. Một chẩn đoán thực sự sớm đối với bệnh ung thư ở môi trường bệnh viện qua thăm khám thường quy của các chuyên khoa chỉ mang tính cá biệt hay tình cờ. Việc phát hiện sớm bệnh ung thư hiện nay là một nội dung quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của y tế cộng đồng. Chúng có ý nghĩa sàng lọc khi đi tìm những tổn thương nghi ngờ có khả năng mắc bệnh ung thư hay là đã mắc bệnh ung thư ở những người trông vẻ bên ngoài bình thường, vì vậy chỉ có tính chất định hướng. Phát hiện sớm ung thư phải bảo đảm hạn chế đến mức tối đa nguy cơ bỏ sót ung thư, do đó trong các chương trình phát hiện bao giờ cũng hình thành nhóm bệnh nhân nghi ngờ. Với nhiều kỹ thuật hiện đại, tiên tiến, có độ tin cậy cao; các nhà khoa học đã kiểm tra lại tất cả mọi trường hợp nghi ngờ hoặc dương tính qua việc phát hiện để khẳng định, phân loại ung thư, loại vi thể... vì chúng có liên quan chặt chẽ đến việc lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp. Qua thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiện nay y học đã rút ngắn được sự chênh lệch về độ chính xác giữa phát hiện sàng lọc, định hướng với chẩn đoán quyết định. Khoảng cách về tỷ lệ dương tính giả và âm tính giả đang dần được thu hẹp lại, khả năng xác định được loại bệnh tiến lại gần nhau hơn. Thực tế trong hàng loạt phương pháp cổ điển vẫn đang dùng cùng với những phương pháp hiện đại, có phương pháp chỉ dành riêng cho phát hiện hoặc chẩn đoán xác định nhưng cũng có xét nghiệm đáp ứng được cho cả hai mục đích.

Có nhiều cách phát hiện sớm ung thư nhưng phần lớn các nhà khoa học đều thống nhất xu hướng chung là phải phát hiện một cách chủ động, định kỳ và có hệ thống cho hàng loạt người, nhất là những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư. Các nhà khoa học cũng đã thống nhất phương pháp phát hiện bệnh ung thư theo 5 yêu cầu: đơn giản, nhạy, đáng tin cậy, có hiệu suất và tiết kiệm. Đơn giản là thực hiện dễ dàng, nhanh chóng với phương tiện tối thiểu, ít gây phiền hà cho người bệnh, bảo đảm an toàn, có khả năng áp dụng rộng rãi. Nhạy là có khả năng phát hiện bệnh sớm với tỉ lệ âm tính giả thấp, kết quả rõ ràng với ít nguyên vật liệu. Đáng tin cậy là tỉ lệ dương tính giả cũng phải thấp. Có hiệu suất là áp dụng được cho nhiều loại ung thư phổ biến và ở nhiều vị trí khác nhau. Tiết kiệm là ít tốn công sức và chi phí thực hiện. Có thể xem 5 yêu cầu này là 5 tiêu chuẩn cụ thể, cần thiết cho việc đánh giá phương pháp phát hiện bệnh ung thư.

Tầm soát ung thư vú

Tầm soát ung thư vú

Các phương pháp phát hiện bệnh ung thư

Về lâm sàng: phương pháp thường được thực hiện là khám lâm sàng đơn thuần. Phương pháp này chỉ áp dụng trong điều tra cơ bản hoặc bước đầu ghi nhận các trường hợp ung thư, tỉ lệ bỏ sót ung thư với âm tính giả sẽ rất cao nhưng vẫn được chú ý trong nhiều mặt, nhất là có giá trị sàng lọc, định hướng đối với những ung thư ở cạn hay ở các hốc tự nhiên từ kết quả phát hiện. Những tổn thương ở cạn dạng khối u được phát hiện là những khối sưng dưới da, cơ, phần mềm, khớp, tinh hoàn, hạch ngoại vi vì có thể sờ nắn được; nhất là ở vú và vùng đầu, cổ, mặt như u tuyến giáp, u tuyến nước bọt, hạch bạch huyết... Khả năng tái phát được phát hiện ở những người mắc ung thư đã được điều trị cũng có ý nghĩa sàng lọc, định hướng, giúp cho việc điều trị có kết quả nhưng chưa hẳn đã kịp thời; trong thực tế nhờ theo dõi định kỳ nên bác sĩ đã kéo dài một cách đáng kể tuổi thọ của người bệnh ung thư. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư gồm các trường hợp tiền ung thư, hội chứng cận tân sản... với chỉ số sàng lọc bằng vấn chẩn, khám lâm sàng kỹ càng, kể cả hồi cứu tiền sử bệnh mới có thể tìm ra được đối tượng. Những trường hợp này không phát hiện các dấu hiệu chỉ điểm trực tiếp của ung thư mà chỉ ghi nhận các dấu hiệu đe dọa hoặc báo trước gián tiếp một tiến triển ác tính, phát hiện có ý nghĩa gợi ý khi tổn thương ung thư nằm ở sâu mà phương pháp khám sờ nắn không thể phát hiện được. Tuy nhiên trên thực tế nhiều người thuộc đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư chưa hẳn đã bị mắc bệnh, trái lại có một số trường hợp đã mắc bệnh ung thư tiến triển rồi. Vì vậy, các nhà khoa học khuyến cáo nên lưu ý đến 7 triệu chứng báo động bao gồm: Thay đổi hoạt động bình thường của ruột, bàng quang như đi tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân, đi tiểu rắt và tiểu khó kéo dài... Vết lở loét kéo dài không khỏi với các loại thuốc điều trị thông thường, chảy máu, tiết dịch bất thường. Có khối u ở vú hoặc khối u ở bất kỳ nơi nào của cơ thể, có khi chỉ là chỗ bị dày lên. Bệnh nhân có thể tự phát hiện tổn thương khối u khi sờ nắn, soi gương, tắm rửa... Khó nuốt, rối loạn tiêu hóa kéo dài. Có nốt ruồi thay đổi kích thước, màu sắc, nhất là chảy máu. Ho dai dẳng, khàn tiếng kéo dài. Việc chẩn đoán bệnh ung thư thực tế trên lâm sàng bao giờ cũng muộn, do đó xác định chắc chắn một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối như các trường hợp thường gặp là điều không khó. Do đó muốn biết rõ loại mô tế bào, phân loại bệnh theo hệ thống mã hóa TNM, độ biệt hóa khối u... thì việc khám lâm sàng đơn thuần không đủ để xác định, đặc biệt là các ung thư ở sâu trong nội tạng hoặc ở giai đoạn cuối cùng; vì vậy khả năng bỏ sót là điều không thể tránh khỏi. Ngoài 7 triệu chứng báo động đã nêu trên, các nhà khoa học còn lưu ý thêm một số triệu chứng khác như: sút cân nhiều trên 5kg chưa rõ nguyên nhân ở những người đứng tuổi đang khỏe mạnh, sốt kéo dài chưa rõ nguyên nhân; mệt mỏi, chán ăn kéo dài; đau có liên quan đến loại và vị trí ung thư gồm đau cơ, xương, bìu, đau khi đi tiểu, đau bả vai... kéo dài và không rõ nguyên nhân; thiếu máu, suy mòn cơ thể chưa rõ nguyên nhân; da khô, da sạm đen, da cứng, viêm da cơ... Việc phát hiện ung thư với những dấu hiệu gợi ý trong khi ung thư đã tiến triển rất khó khăn, vì vậy bắt buộc các nhà khoa học phải căn cứ thêm vào nhiều phương pháp cận lâm sàng khác.

Về cận lâm sàng: phải sử dụng một số kỹ thuật y học cần thiết như các phương pháp vật lý, phương pháp nội soi, phương pháp sinh học, phương pháp hình thái học... Các phương pháp vật lý thường là phương pháp điện quang bao gồm chụp X-quang, chụp nhiệt, chụp lấp lánh, chụp siêu âm, chụp cắt lớp tỉ trọng hay chụp bằng máy điện toán cắt lớp, chụp bằng máy cộng hưởng từ trường hạt nhân và chụp hình qua kháng thể đơn dòng... Các phương pháp nội soi còn được gọi là phương pháp soi trong được thực hiện bằng những kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp. Các phương pháp sinh học gồm những phương pháp miễn dịch, xét nghiệm sinh hóa... Các phương pháp hình thái học gồm phương pháp giải phẫu bệnh học, đặc biệt là giải phẫu bệnh học vi thể thường gọi là mô bệnh học và phương pháp tế bào bệnh học. Thực tế sau khi kiểm tra những phương pháp kỹ thuật phát hiện chẩn đoán bệnh ung thư, các nhà khoa học đã thống nhất rằng chỉ có phương pháp tế bào bệnh học mới đáp ứng được đầy đủ cả 5 yêu cầu đơn giản, nhạy, đáng tin cậy, có hiệu suất và tiết kiệm; đồng thời cũng thỏa mãn mục tiêu chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với bệnh ung thư thông qua sự phát hiện bệnh chủ động định kỳ, có hệ thống cho nhiều người có nguy cơ mắc bệnh cao. Chi phí cho một lần xét nghiệm tế bào bệnh học rẻ hơn rất nhiều so với các phương pháp xét nghiệm mô bệnh học, phương pháp kỹ thuật chụp bằng máy điện toán cắt lớp, máy cộng hưởng từ trường hạt nhân…

Lời khuyên của thầy thuốcThực tế ghi nhận hiện nay trong nhiều trường hợp, việc phát hiện và chẩn đoán bệnh ung thư hầu như bao giờ cũng muộn. Khi phát hiện và chẩn đoán xác định rõ ràng, cụ thể thì người bệnh thường ở vào giai đoạn cuối; ngoài khối u được phát hiện đã phát sinh thêm tình trạng nổi các hạch vùng và di căn đi nơi khác làm cho tiên lượng bệnh khá tồi tệ. Vì vậy, việc phát hiện và chẩn đoán sớm bệnh ung thư có ảnh hưởng quyết định rất lớn đến thái độ xử trí biện pháp can thiệp, kết quả điều trị và tiên lượng bệnh; có nghĩa là ung thư chẩn đoán sớm sẽ giúp việc điều trị có kết quả. Tầm quan trọng và yêu cầu cần thiết của việc chẩn đoán xác định sớm ung thư phải được các nhà khoa học cũng như cộng đồng quan tâm trong khi những yếu tố nguy cơ gây nên bệnh ung thư đã và đang tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của con người thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nội soi vìm mũi họng tầm soát ung thư vòm họng

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

0 nhận xét:

Đăng nhận xét