Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Liệt thần kinh do nhiễm khuẩn thức ăn

Trước, trong và sau Tết là dịp mọi gia đình dùng nhiều loại thực phẩm nên cần phải chú ý đề phòng nhiễm loại vi khuẩn này.

C.botulinum là trực khuẩn có đặc điểm: sống trong điều kiện kị khí tuyệt đối, nghĩa là chúng phát triển trong môi trường không có oxy. Vi khuẩn này tồn tại trong đất, nước, phân động vật, ruột cá, ruột động vật có vú... Chúng xâm nhập vào thực phẩm, sinh độc tố gây ngộ độc cho cơ thể người ăn phải. Trong điều kiện nhiệt độ cao và các yếu tố môi trường bất lợi, vi khuẩn này chuyển thành các bào tử rất bền vững. Khi gặp điều kiện thuận lợi, vi khuẩn phát triển nhanh ở 3 - 43°C, trong môi trường không có oxy, ẩm ướt và độ pH acid yếu (pH> 4,6), bào tử lại biến đổi thành vi khuẩn và phát triển, tiết ra độc tố botulinum. Vi khuẩn gây bệnh ở người thường là C. botulinum týp A, B, E và F. Lưu ý rằng: bản thân vi khuẩn và bào tử của nó không gây ra bệnh mà chỉ độc tố do vi khuẩn sinh ra mới gây bệnh, gây liệt thần kinh.

Liệt cơ mắt do C.botulinum.

Liệt cơ mắt do C.botulinum.

Các trường hợp dễ nhiễm bệnh

Trên thực tế, các trường hợp sau đây dễ nhiễm C. botulinum mắc bệnh: thức ăn dễ nhiễm độc tố vi khuẩn thường là ở rau củ, nước sốt, thịt, hải sản đóng gói bằng phương pháp thủ công. Trẻ nhũ nhi: thường gặp do trẻ ăn mật ong, vì đây chính là nguồn chứa bào tử C. botulinum. Do đó, các bậc cha mẹ không nên cho trẻ dưới 1 tuổi sử dụng mật ong tươi. Khi trẻ ăn phải bào tử của vi khuẩn có trong mật ong, sau đó bào tử nảy nở và sinh độc tố trong ruột của trẻ và gây bệnh. Nhiễm khuẩn đường ruột ở người lớn, cơ chế cũng giống ở trẻ nhũ nhi, nghĩa là cũng do ăn mật ong hay thức ăn bị nhiễm khuẩn. Những người bị thương rất dễ nhiễm khuẩn từ vết thương.

Biểu hiện khi bị bệnh

Độc tố của vi khuẩn C. botulinum là độc tố thần kinh, vì vậy, đặc trưng của bệnh là gây liệt thần kinh cơ. Thời gian ủ bệnh của vi khuẩn C. botulinum nhiễm qua đường tiêu hóa sớm là 6 - 36 giờ, còn muộn là 6 - 8 ngày. Nói chung, thời gian ủ bệnh ngắn hoặc dài tùy thuộc lượng độc tố bị nhiễm nhiều hay ít. Triệu chứng bệnh thường là: nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, nuốt khó, khô miệng, buồn nôn, yếu cơ dần dần ở cả toàn thân. Các trường hợp nhiễm nặng có thể gây liệt cơ hô hấp và gây tử vong. Biểu hiện bệnh ở trẻ nhũ nhi thường thấy là ngủ gà, táo bón, khó bú, khó nuốt, khóc yếu. Đối với các trường hợp bệnh nhân bị nhiễm bệnh từ vết thương cũng có các triệu chứng giống như nhiễm bệnh từ thức ăn, nhưng chỉ khác là thời gian ủ bệnh kéo dài trong khoảng 7 - 14 ngày sau khi bị nhiễm khuẩn. Sở dĩ nhiễm khuẩn qua vết thương cần thời gian ủ bệnh lâu hơn vì vi khuẩn tăng sinh chậm nên phải trong thời gian dài mới có đủ số lượng và mới tiết ra đủ lượng độc tố để gây bệnh.

Việc chẩn đoán bệnh dựa vào kết quả xét nghiệm máu; xét nghiệm: phân, dịch nôn, dịch dạ dày, mẫu thức ăn nghi ngờ nhiễm khuẩn hoặc độc tố để phát hiện được bào tử và vi khuẩn.

Nha bào và vi khuẩn C. botulinum.

Nha bào và vi khuẩn C. botulinum.

Phương pháp điều trị

Bệnh nhân phải nhập viện để điều trị nhằm theo dõi chặt các triệu chứng, đo phế dung ký, oxy máu, khí máu động mạch để đánh giá mức độ suy hô hấp. Phải đặt nội khí quản và cho thở máy đối với bệnh nhân bị liệt tiến triển nhanh, hạ oxy máu kèm tăng CO2 máu. Phải dùng kháng độc tố càng sớm càng tốt, vì điều trị giải cảm ứng sớm và tích cực mới ngăn chặn được bệnh tiến triển nặng. Cần dùng thuốc gây nôn hay rửa dạ dày đối với các trường hợp ngộ độc do thức ăn mà thời gian còn sớm. Trường hợp bị thương, phải rửa sạch vết thương và dùng kháng sinh bôi lên vết thương để diệt trừ vi khuẩn ở vết thương, sau đó phải dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ. Chú ý nâng cao thể trạng cho bệnh nhân bằng việc dùng các vitamin nhóm B, C và ăn uống tốt.

Vi khuẩn C.botulinum - một thủ phạm gây nhiễm khuẩn thực phẩm.

Vi khuẩn C.botulinum một thủ phạm gây nhiễm khuẩn thực phẩm.

Lời khuyên của bác sĩ

Liệt thần kinh do C. botulinum là bệnh nặng, nhưng có thể phòng tránh được bằng các biện pháp dễ thực hiện như sau: chống nhiễm khuẩn thức ăn bằng cách ngăn cản sự phát triển của C. botulinum như: dùng nhiệt độ cao (100oC); tạo môi trường axit (pH< 4.6); chế biến thực phẩm bằng cách làm khô, ướp muối hoặc đường. Tuy bào tử vi khuẩn bền với nhiệt, nhưng độc tố của nó thì dễ bị hủy bởi nhiệt độ cao, vì vậy, dùng phương pháp nấu lại các loại thức ăn đóng gói thủ công ở nhiệt độ 100°C trong 10 - 20 phút là biện pháp phòng bệnh tốt. Đối với thực phẩm đóng gói công nghiệp như thịt hộp, cá hộp, không nên sử dụng nếu thấy hộp bị phồng, rách hay cận đát hoặc đã hết hạn sử dụng.

Bảo quản thức ăn bằng cách: giữ thức ăn chưa dùng ở nhiệt độ dưới 5oC; thịt nên để đông lạnh, chỉ rã đông ngay trước khi nấu. Nên dùng hết thực phẩm đã rã đông, nhưng không cấp đông lại thực phẩm đã rã đông vì có thể bị nhiễm bệnh. Đối với thực phẩm đã nấu chín, phải giữ ở nhiệt độ trên 57oC hoặc dưới 5oC. Rửa tay, dụng cụ, tiếp xúc thức ăn bằng xà phòng sau khi chế biến thức ăn tươi, thịt, cá.

ThS. Nguyễn Thế Minh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét